Sunday, June 24, 2018

Faroe Islands - Nhìn Lại Một Chuyến Đi

Sau chuyến phiêu lưu ở Mông Cổ vào tháng 9 năm 2017, tôi nghĩ cũng vài năm nữa mới có dịp đi tiếp, lý do chính là vì công việc hàng ngày bỗng dưng bận rộn hơn lúc nào hết. Không ngờ chỉ vài tháng sau cái duyên lại đưa đẩy tôi chọn một nơi thật xa lạ cho cuộc hành trình kế tiếp của mình. Đó là Faroe Islands. Khi nghe đến cái tên này, ai cũng hỏi Faroe Islands ở đâu vậy? Và ngay chính tôi lần đầu tiên đọc tên Faroe Islands cũng không biết quần đảo này nằm ở Âu Châu, Mỹ Châu, hay một nơi nào khác. Cũng may thời nay có Google nên chỉ cần bỏ công tìm là sẽ thấy. 

Với một chút tìm tòi tôi được biết Faroe Islands gồm 18 hòn đảo nhỏ nằm trên vùng biển Na Uy và Đại Tây Dương, giữa ba quốc gia Na Uy (Norway), Băng Đảo (Iceland) và Tô Cách Lan (Scottland). Tuy nằm giữa các nước này nhưng Faroe Islands lại là một lãnh thổ tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch (Denmark) từ năm 1948. 

Tôi chọn Faroe Islands vì muốn xem tận mắt hai loại chim puffin và gannet. Chim puffin ở đây thuộc giống Đại Tây Dương là một loài chim nhỏ với cái mỏ đỏ lòe trên khuôn mặt bầu bĩnh và hai má phinh phính. Ngược lại chim gannet là một loài chim màu trắng, lớn như chim đại bàng với màu sắc thật thanh tao. 

Đến lúc mua vé máy bay để đi tôi mới biết là không có chuyến bay nào đi thẳng đến phi trường Vágar của Faroe Islands. Du khách phương xa phải đổi máy bay ở những nước lân bang để tới Vágar. Tiện nhất là quá cảnh ở Copenhagen. Tôi đến phi trường Copenhagen trưa chủ nhật lúc 1 giờ 15 phút và sẽ đợi ở đó khoảng 3 tiếng đồng hồ để lấy máy bay của chặng kế tiếp qua Faroe Islands. 

Khoảng một tiếng trước giờ bay, hành khách được thông báo là chuyến bay sẽ bị trễ và cuối cùng bị hủy vì thời tiết ở phi trường Vágar rất xấu, mưa và sương mù dày đặc. Chúng tôi sẽ phải lấy chuyến bay kế vào 11 giờ sáng hôm sau. Thế là dự định đi sớm một ngày để có thêm thì giờ đi xem đây đó cũng đi đoong. Hãng máy bay SAS sắp xếp chỗ ăn ở qua đêm cùng phương tiện di chuyển giữa khách sạn và phi trường cho từng hành khách. Hành lý gởi sẽ được giữ lại ở phi trường và chuyển qua chuyến máy bay ngày mai. Như vậy cũng đỡ khổ khỏi phải kéo cái va-li nặng chình chịch đi theo mình cho tới ngày hôm sau. Thoát được cái eo này nhưng lại mắc cái eo khác vì những thứ cần dùng cho vệ sinh hằng ngày như bàn chải đánh răng, đồ ngủ và quần áo thay cho ngày hôm sau đều nằm trong hành lý gởi theo chuyến bay. Đi chuyến này tôi học được một điều là những hãng máy bay lớn thường có những cái "kit" cho hàng khách khi gặp trường hợp như vậy. Chỉ cần hỏi! Riêng hãng máy bay SAS thì họ có "overnight kit" khác nhau cho phái nam và phái nữ, thật là tiện. Điều đáng chú ý là hãng SAS dùng máy bay lớn nên những khi trời xấu, chuyến bay đi qua Faroe Islands thường bị hoãn. Trong khi đó, hãng Atlantic Airways dùng máy bay nhỏ nên trời không xấu lắm, máy bay cũng có thể đi và đáp xuống phi trường Vágar một cách an toàn. 

Sáng hôm sau, trước khi ra phi trường, chúng tôi được thưởng thức bữa điểm tâm buffet Đan Mạch đầu tiên ở khách sạn. Những món đặc biệt của buổi ăn sáng khác với những gì tôi hay thấy ở Mỹ là những loại bánh mì khác nhau trét bơ thơm phức, rồi còn thêm các loại thịt nguội (cold cut) ăn với cà chua, dưa leo, ớt xanh cộng thêm paté. Bên cạnh đó là trứng lòng đào, một món tôi thích ăn nhưng ít khi làm vì lười nấu bếp. Ở đâu cũng có những món ăn đáng nhớ, hương vị bánh mì và bơ ở đây là một hương vị tôi sẽ mang theo về California. 

Tôi đến phi trường Vágar lúc 2 giờ chiều trên cùng chuyến bay với ông Oliver Klink. Photography workshop kỳ này chỉ có ba học viên, vợ chồng ông Bruce và tôi, nhưng chúng tôi được đến hai nhiếp ảnh gia nhà nghề hướng dẫn. Ông Oliver Klink là nhiếp ảnh gia chính từ California, quyển sách nhiếp ảnh mới nhất của ông, Cultures in Transition, xuất bản năm 2019 đoạt được rất nhiều giải thưởng. Đây là chuyến đi chụp hình thứ hai tôi tham dự với ông Oliver Klink. Tôi tình cờ gặp ông năm 2017 trong dịp đi xem hình vẽ trên đường phố (street painting) trong lễ hội Art and Wine Festival thường niên của thành phố Palo Alto. Trước đây ông cũng là một chuyên viên kỹ thuật với bằng kỹ sư hóa học nhưng vì đam mê nhiếp ảnh nên ông đã đổi nghề và rất thành công. 

Còn anh Ólavur Frederiksen là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng của Faroe Islands. Anh đã xuất bản hai quyển sách nhiếp ảnh với rất nhiều hình ảnh đặc biệt của quần đảo này. Trên xe anh lúc nào cũng có sẵn máy hình để không bỏ lỡ bất cứ một cơ hội nào. Anh cho biết sẽ được chọn làm phó nhòm chụp hình cho hoàng gia Đan Mạch trong lần viếng thăm của hoàng tử Frederik tiếp sau đó. 

Hình 1 - Oliver Klink, Trần Dzung và Ólavur Fredericksen

Hình 2 - Một trại nuôi cá hồi giữa biển

Faroe Islands tuy nằm ở vĩ tuyến 62, ngang với khoảng giữa của Alaska nhưng lại ít lạnh hơn và nhiệt độ không thay đổi mấy giữa ngày và đêm, mùa đông và mùa hè. Nhiệt độ trung bình từ khoảng 0°C và 15°C. Tuy nhiên mưa và sương mù đến thường xuyên, mùa đông hay có bão to gió lớn làm chùn lòng người. Trong hơn một tuần tôi ở đây chỉ có hai ngày nắng, còn lại là trời mưa nhỏ và nhiều sương mù.

Là một quần đảo nhỏ với hơn 50 ngàn dân, không có quân đội, nhưng Faroe Islands lại là một vùng đất giàu mạnh nhờ kỹ nghệ nuôi cá hồi (salmon) quy mô với những trang trại nằm dọc theo bờ biển. 

Hình 3 - Đồi núi xanh tươi

Điều đập vào mắt tôi khi đặt chân đến quần đảo này là màu xanh tươi của núi đồi chung quanh. Màu xanh mà tôi chỉ thấy được trong vài tuần ngắn ngủi của đầu mùa Xuân ở Bắc California. Nếu không đến đây để được thấy tận mắt thì khó có thể tin là đồng cỏ nơi này xanh tươi vào mùa hè và úa vàng vào mùa đông, trái ngược hẳn với miền Bắc Cali.

Những đảo lớn được nối với nhau bằng một vài đường hầm dưới mặt biển (subsea tunnel). Phương tiện giao thông giữa những đảo nhỏ là phà vận chuyển cả người và xe cộ nhưng thường phải giữ chỗ trước. Những đảo còn lại phải dùng thuyền.
Trong hai ngày đầu tiên ở Faroe Islands, nhóm chúng tôi dừng chân ở khách sạn Runavik (điểm số 3 trên bản đồ) nằm ở phía Nam của đảo Esturoy. Đây là khách sạn duy nhất của bến cảng Runavik nên khi nghe chúng tôi ở khách sạn, mọi người đều biết ngay là khách sạn Runavik.

Từ phi trường đến Runavik, chúng tôi lái xe qua một đường hầm ngầm dưới biển dài khoảng 5km nối liền hai đảo Vágar và Streymoy rồi sau đó phải băng qua cầu Streymin Bridge để đến đảo Eysturoy. Nếu chỉ lái qua cầu Streymin Bridge mà chưa biết lai lịch của cây cầu này thì thấy rất tầm thường, không có gì đáng chú ý cả vì kiến trúc không đặc sắc mà chỉ dài có 220m. Tuy vậy cầu Streymin thường được gọi đùa là "Cây cầu bắc qua Đại Tây Dương" (Bridge over the Atlantic). Là cây cầu duy nhất nối liền hai mảnh đất khác nhau trên biển Đại Tây Dương của Faroe Islands, cầu Streymin là một trong vài cây cầu hiếm hoi trên thế giới thuộc loại này.

Trong thời gian này Faroe Islands đã bắt đầu thực hiện đường hầm dưới biển dài khoảng 11km nối liền những thành phố ở phía Nam của hai đảo Streymoy và Eysturoy. Cầu tên là Eysturoyartunnilin (Eysturoy Tunnel hay đường hầm Eysturoy). Công trình xây cất đường hầm được bắt đầu vào tháng 8, 2016, hoàn thành vào cuối năm 2020 và khánh thành ngày 19 tháng 12, 2020. Sau khi xong hầm cầu mới, nhiều đoạn đường trước đây mất hơn 1 tiếng để lái qua sẽ giảm xuống còn 10-15 phút. 

Hình 4 - Bản đồ Islands với những địa điểm sẽ đến

Hình 5 - Bến cảng Runavik vào khoảng 11g đêm

Từ phòng tôi nhìn ra vịnh, bên trái là một dòng suối xinh xắn chảy róc rách, bên phải và một cái eo nhỏ của bến cảng Runavik với khá nhiều tàu đánh cá. Sáng sớm đã ra khỏi khách sạn và đến tối mới về, tuy khung cảnh không nên thơ lắm nhưng tôi vẫn được ngắm nhìn mây nước bao la từ cửa sổ phòng mình. Thêm vào đó mặt trời gần như không đi ngủ giữa mùa hè, lòng bỗng thấy thanh thản và quên đi những lo toan trước khi đến.

No comments:

Post a Comment