Wednesday, June 27, 2018

Faroes Islands - Đảo Mykines

Sau buổi điểm tâm sáng ngày thứ ba, chúng tôi mang hành lý lên xe để đi đến địa điểm mới. Chỉ có năm người mà hành lý chất đầy phía sau và lan qua những băng ghế ngồi phía trước mới đủ. Cũng may chúng tôi có 5 người chứ nếu hơn thì không biết phải làm sao với mớ hành lý này.

Theo chương trình trong ba ngày và hai đêm sắp tới, chúng tôi sẽ đến đảo Mykines. Đây là một hòn đảo nhỏ ở cực Tây của Faroe Islands và được xem là một trong những thiên đường của hải điểu. Hòn đảo này có khoảng 40 căn nhà, nhưng chỉ 6 căn là có người ở quanh năm. Du khách đến nơi này thường để xem phong cảnh cùng hai loại chim đặc biệt trên đảo, puffin và gannet, mà ở cao điểm những loại hải điểu này có thể lên đến cả hàng trăm ngàn con. Cũng vì loại chim puffin mà tôi chọn Faroe Islands cho chuyến đi lần này.

Muốn đến đảo Mykines, người ta chỉ có thể đi bằng thuyền hay trực thăng. Đây là loại thuyền nhỏ khởi hành từ bến Sørvágur của đảo Vágar chở người và hành lý chứ không mang được xe cho nên những ngày sắp tới chúng tôi sẽ phải đi bộ dài dài. Mỗi ngày chỉ có hai chuyến đến đảo nên hành khách phải giữ chỗ trước để chắc chắn có thể đi qua đảo đúng như dự tính. Ngoài ra họ còn phải cẩn thận ra bến đúng giờ về để khỏi phải bị kẹt lại. 

Hình 1 -Thuyền chuyên chở hành khách giữa bến Sørvágur và đảo Mykines

Đêm trước chúng tôi được Ólavur và Oliver cho biết thuyền đi Mykines nhỏ và chúng tôi sẽ không có xe nên phải giới hạn đồ dùng mang theo, càng ít càng tốt. Chỉ mang một hai bộ đồ để thay và những vật dụng vệ sinh cá nhân thật cần. Còn những thiết bị máy hình sẽ phải mang theo hết. Tất cả hành lý còn lại sẽ để trên xe đậu ở bến. Nghe đến đây, tôi quay lại hỏi nhỏ Ólavur là hành lý chất đầy trong xe như vậy ai đi qua đi lại cũng thấy thì có lo ngại chuyện xe bị đập kính lấy đồ không. Một lần nữa Ólavur lại trấn an là ở Faroe Islands không hề có chuyện này.

Trên đảo Mykines không có chỗ bán thức ăn nên chúng tôi phải mang theo đồ điểm tâm và đồ ăn trưa. Còn buổi tối Ólavur đã liên lạc được chỗ nấu ăn cho chúng tôi. Như vậy sẽ phải mua thức ăn nhẹ và nước uống cho cho tất cả 5 người. Trước khi đến bến, mọi người ghé mua bánh mì, trái cây, thịt nguội, cà phê và nước ngọt. Tất cả những thứ này được chất vào va-li của ông Oliver. Tuy đồ ăn thật giản dị nhưng tổng cộng cho 20 phần ăn thì cũng nặng quá xá là nặng.

Hình 2 - Bến Mykines nhìn từ ngôi nhà trọ

Buổi sáng thuyền rời bến Sovágur lúc 10 giờ 20 và sẽ mất khoảng 45 phút mới đến đảo Mykines. Sau đó thuyền quay về Sovágur và buổi chiều trở lại Mykines lúc 5 giờ để đón khách trở về. Trước khi đi, chúng tôi ai cũng lo lắng là có thể bị say sóng với nguy cơ "cho chó ăn chè". Có lẽ đã quen với những người ở nơi khác đến đảo, Ólavur chuẩn bị sẵn thuốc cho mọi người. Không ai từ chối, mỗi người một viên, vừa lên thuyền khoảng 5 phút ai nấy cũng say thuốc và ngủ một mạch cho đến khi thuyền tới đảo. Chỉ có Ólavur là người tỉnh táo duy nhất đứng trên boong thuyền chụp hình.

Vừa xuống thuyền nhìn lên đỉnh đồi tôi cảm thấy ngao ngán khi nghĩ đến cái viễn tượng phải leo lên hơn 100 bậc thang, đeo theo cái ba-lô máy hình nặng khoảng 20 kg đằng sau lưng, chưa kể chân máy hình và đồ dùng cá nhân. Đúng là dại dột, chọn cái sở thích này làm chi cho khổ cái thân già! Ông Oliver còn cực hơn vì có thêm cái vali đựng thức ăn cho tất cả mọi người...

May quá, Ólavur cho biết cái bức tường ở phía bên trái là hệ thống chuyển vận đồ nặng từ bến lên trên đồi. Chỉ cần để đồ vào đó, người ta sẽ kéo lên cho mình. Cả nhóm thở phào nhẹ nhõm, thế là có quyền an nhàn tản bộ lên phía trên đợi hành lý của mình.

Hình 3

Sương mù vẫn còn bao phủ dày đặc ngôi làng chính trên đảo, tôi chụp vài tấm hình trước khi kéo hành lý đến phòng trọ.

Hình 4

Đi ngang một con dốc, Ólavur cho biết đây là đường lên chỗ chụp chim puffin và gannet. Nhìn con dốc cao, tôi than thầm trong bụng… rồi lại thêm sương mù nữa, không biết có chụp được hình không.

Theo lời Ólavur, Mykines là một trong hai hòn đảo duy nhất phải dùng máy phát điện. Hòn đảo thứ hai chỉ có một người ở.

Hình 5

Trên đường đến nhà trọ, chúng tôi đi ngang bức tượng thiên thần nhỏ hướng ra phía Bắc Đại Tây Dương. Tượng được xem như một biểu tượng để bảo vệ người dân trên hòn đảo nhỏ bé này. Từ bến tàu đến nhà trọ chỉ mất khoảng 10 phút nhưng đường đất lồi lõm trơn trợt nên chúng tôi không đi nhanh được. Phòng trọ này thuộc loại hostel tức là cho mướn chỗ ngủ theo giường. Còn bếp núc và phòng tắm mọi người phải dùng chung. Trên đảo chỉ có như vậy nên muốn ở chỗ sang hơn cũng không có. Căn nhà trọ của chúng tôi sơn màu vàng nổi bật trên thảm cỏ xanh, từ xa đã nhìn thấy, khó mà lầm lẫn được. Chúng tôi mướn nguyên tầng thứ nhất có hai phòng dành cho 5 người nên tuy là phòng trọ nhưng chúng tôi cũng được phần nào riêng tư. Phòng ngủ cũng như cửa chính đều không có khóa. Ra vào chỉ cần khép cửa lại là xong.

Hình 6

Về đến nhà trọ, chúng tôi sắp xếp đồ đạc cho gọn gàng. Ăn trưa xong mọi người có một chút rảnh rỗi để nghỉ ngơi hay đi dạo loanh quanh. Ai cũng mong cho nắng lên và sương mù tan bớt để lên đồi xem xét địa điểm chụp hình vào ngày mai. Sương mù không những đã không tan đi mà còn có vẻ dày hơn làm mọi người buồn 5 phút. Tuy vậy chúng tôi vẫn quyết định đi để làm quen với đường đi nước bước. Vì không quen những địa điểm sắp tới nên tôi cảm thấy mọi thứ như xa diệu vợi, không biết khi nào mới tới được chỗ muốn đến. 

Hình 7

Bình thường tôi cũng khá nhanh nhẹn nhưng đến lúc đi hiking bao giờ tôi cũng là người chậm chạp đi sau chót. Đường bằng thì đi thong thả chụp hình, còn đường dốc thì đi vài chục bước là phải ngừng lấy hơi. Mỗi lần đi hiking với các bạn, luôn luôn họ đi trước rồi lâu lâu phải đi ngược lại canh chừng xem tôi có bị lạc lối không. Trong chuyến đi này Ólavur giữ vai trò giám sát viên, lâu lâu anh dừng bước quay lại xem tôi có đang lững thững ở phía sau. Thấy mấy chú cừu đang thong dong trên sườn đồi, tôi chụp vài tấm rồi đi tiếp để khỏi lạc bước.

Leo đồi độ nửa tiếng, chúng tôi chợt nghe tiếng chim puffin. Thế là nguyên cả đám chuyển hướng về phía đó. Wow! cả mấy chục con đang nhởn nhơ bay lên bay xuống ở những mỏm đá bên cạnh vực sâu. Sương mù dày đặc chỉ thấy được trong khoảng 2, 3 thước. Mọi người bấm máy lia lịa nhưng hình nào hình nấy mờ mờ ảo ảo. Cũng may lúc leo dốc trở lên đỉnh đồi mọi người vẫn còn thấy đường đi. Tôi phải ráng đi nhanh chứ không sẽ mất dấu ông Oliver và Ólavur. Ai mà yếu bóng vía bị nhát ma ở những chỗ như thế này chắc là đứng tim mất! 

Hình 8

Hình 9

Chụp một chút, chúng tôi bỏ cuộc và quyết định đi tiếp. Ông Bruce quay về phòng trọ, chỉ còn tôi lót tót đi theo ông Oliver và Ólavur. Sau khi lên đến đỉnh đồi, chúng tôi đi dọc theo con đường nhỏ cheo leo bọc quanh sườn núi, xuống một quãng dốc cao với đường đất trơn trượt rồi băng qua cây cầu nhỏ để đi qua bên kia đảo. Cũng may nhờ được huấn luyện dài dài trong những cuộc đi hiking hàng tháng mấy năm vừa qua nên tôi không thấy ngại ngùng khi phải đi ở những triền núi như thế này. Vừa hết đoạn đường có hàng rào trước khi xuống đường dốc trơn trượt, chúng tôi thấy khá đủ nên quay trở lại.

Trên đường về, sương mù xuống càng lúc càng dày đặc. Có lúc tôi cách Oliver và Olávur có vài bước nhưng chỉ thấy hai cái bóng mờ đi phía trước. Tối hôm đó sau khi ăn cơm tối chúng tôi thật lo lắng vì nếu ngày mai cũng bị sương mù như hôm nay thì hỏng chuyện, không cách nào chụp hình được cả. Chúng tôi xem dự đoán thời tiết thì thấy sẽ có nắng và người điều hành hostel cũng cho biết như vậy nên mọi người lên tinh thần. Sau vài ngày ở Faroe Islands tôi biết thêm một điều là ở đây việc báo hiệu thời tiết chỉ chính xác cho ngày hôm sau, còn xa hơn nữa thì không có gì chắc chắn cả. 

Hình 10

Buổi sáng thức dậy mọi người ai nấy cũng mặt mày tươi rói vì trời quang mây tạnh. Chúng tôi ăn sáng thật nhanh rồi vác máy ảnh lên đường ngay. Khác hẳn với hôm trước, khung cảnh của ngôi làng nhìn từ trên xuống tuyệt đẹp, nổi bật trên thảm cỏ xanh, nhìn không khác gì một bức tranh. 
 
Hình 11

Hình 12

Đường lên đồi xanh tươi, thật mát mắt. Khúc khủyu nhưng không ai thấy ngại ngùng, chỉ mong đến nơi có puffin thật nhanh để chụp hình. Trên đỉnh đồi phía xa là đài tưởng niệm những người đã mất vì tai nạn trên đảo Mykines.

Hình 13

Hình 14

Chúng tôi trở lại chỗ hôm qua, hàng trăm con chim puffin đậu trên triền núi, bay lên bay xuống thật vui mắt. Lần này thì bấm máy cho bằng thích. Chụp mỏi cả tay cũng không thấy chán.

Loại chim puffin trên đảo Mykines thuộc giống Đại Tây Dương. Giống chim này thường tụ lại ở những hòn đảo và làm tổ trong hang trên các sườn núi. 

Hình 15

Hình 16

Những năm gần đây đảo Mykines có hàng chục ngàn con chim puffin đến làm tổ. Tuy nhiều như vậy nhưng Ólavur cho biết số chim trên đảo đã giảm đi rất nhiều. Trước đây có những năm chim lên đến hàng trăm ngàn con, nhiều đến nỗi chính phủ phải cho dân bắt ăn thịt bớt. Bây giờ chuyện này đã bị cấm, không ai được bắt chim puffin nữa. 

Hình 17

Tấm hình chú puffin trên đây có lẽ là một trong những tấm hình ưng ý nhất của tôi trong chuyến đi này và được mang tên "Chơi vơi giữa trời". Có lúc nhìn tấm hình tôi lại chạnh lòng nghĩ đến những giây phút chơi vơi giữa thăng trầm của cuộc đời để rồi cuối cùng cũng đến được bến đỗ, nơi những nụ cười thân yêu và những vòng tay ấm áp của gia đình đang chờ đợi mình.

Hình 18

Trước khi lên đường đến Faroe Islands, tôi tình cờ thấy hình chú chim puffin miệng đầy cá nhỏ, Nhìn thích quá, chỉ mong trong chuyến đi này mình sẽ được thấy tận mắt và đúng là trời không phụ lòng người. Không những được thấy tận mắt và còn chụp được một tấm hình của chú chim này nữa chứ. Vui thật là vui!

Hình 19

Nếu không có những chú chim gannet đợi ở chặng tới có lẽ tôi còn ở lại đây lâu hơn để ngắm nghía và chụp thêm hình puffin. Sau khi đi bọc quanh triền núi là đến ngã ba đường, tôi cùng một số người theo ngã rẽ xuống đoạn dốc bên phải. Làm sao mà không mê được, mỏm đá bên kia đầy puffin. 

Đoạn đường kế tiếp thật dốc và trơn trợt để đi đến cây cầu bắc ngang khe núi giữa hai nhánh của đảo Mykines.

Hình 20

Cây cầu giản dị nhưng đến đây ai cũng phải ngừng lại để chụp hình, người đi hiking chỉ chụp vài tấm còn những người đến đây cốt để chụp hình thì dừng lại khá lâu.

Hình 21

Điểm đặc biệt ở nơi này không phải chỉ là cảnh núi và biển phía trước mà là hàng trăm hàng ngàn con chim kittiwake đang làm tổ trên vách. Mỗi tổ đều có chim mẹ đang ấp trứng hoặc đang chăm lo cho con. Mới bắt đầu chụp hình cách đây không lâu nên mỗi khi thấy những cảnh với nhiều chi tiết như thế này, tôi thường hoa mắt không biết bắt đầu từ nơi nào hoặc nên chụp những gì. Tôi chụp một chút rồi lại tiếp tục lên đường.

Hình 22

Hình 23

Hình 24

Hình 25

Con đường trước mặt thật khó khăn cho tôi vì chỉ có lên dốc và lên dốc để đi đến ngọn hải đăng Mykines Holmur xây năm 1909. Ngoài việc hướng dẫn cho thuyền bè đi lại, nơi này còn được dùng làm trạm đo nhiệt độ và vận tốc gió. 

Phía dưới ngọn hải đăng không xa là căn nhà nhỏ dành cho gia đình người giữ hải đăng. Ngoài việc giữ hải đăng, thỉnh thoảng họ còn giúp Đại Học Copenhagen quan sát Northern Lights, một loại ánh sáng đặc biệt màu xanh lá cây, chỉ có thể thấy vào mùa lạnh ở những nơi gần Bắc cực. 

Hình 26

Từ ngọn hải đăng trên đỉnh đồi, chúng tôi đi dọc theo con đường bên cạnh căn nhà của người giữ hải đăng để xuống sát bờ biển nơi có chim gannet. Đứng giữa lưng đồi nhìn về phía xa nơi thuyền đưa người đến đảo, ngôi nhà nhỏ màu đỏ nổi bật trên sườn đồi, phía xa đằng sau là hòn đảo mờ khuất trong mây, một cảnh mà trước đây tôi chỉ thấy trên bưu thiếp, không ngờ hôm nay lại ở ngay trước mắt mình.

Hình 27

Gannet là loài chim biển rất lớn, lông trắng, cánh xoải dài tới 2 mét. Chim nhiều và đẹp, đậu ở khá xa bờ nên hình tôi chụp không được sắc nét như ý muốn.

Hình 28

Ở đây đến khoảng 5 giờ, sương mù bắt đầu bay đến. Chúng tôi chuẩn bị quay về vì ngại sương mù xuống dày đặc sẽ không thấy lối đi nhất là phải đi ngược lên đồi về phía hải đăng. May sao, trước khi lên dốc, chúng tôi thấy vài người đi dọc theo bờ biển, không phải leo dốc. Tôi và ông Oliver đi theo họ, còn Ólavur đã đi trước. Chúng tôi về lại chỗ ở trước 7 giờ chiều vừa kịp bữa ăn tối.

Hình 29

Chúng tôi ăn tối ở quán café đối diện. Trang trí bên trong rất đơn sơ. Món ăn hôm nay là thịt cừu cùng với các loại rau quả như khoai tây, cà rốt và đậu cô-ve (green beans, harricot vert). Nhờ có nước sốt đặc biệt đi kèm với thịt cá nên hai bữa ăn tối ở đây rất đáng nhớ trong chuyến đi này.

Hình 30

Ăn xong, mọi người xem hình thì được biết trên đường về Ólavur tìm được một chỗ lúc vừa đi qua cầu có thể chụp chim gannet thật gần. Ólavur tìm cách gọi tôi và ông Oliver nhưng chúng tôi không nghe. Tiếc quá! Mọi người bàn là sáng hôm sau cố gắng dậy sớm đến nơi chụp khoảng 1 tiếng và trở lại nhà trọ trước 10 giờ để kịp lên thuyền rời Mykines. Nhưng hôm sau sương mù dày đặc, dự định tối hôm trước đành phải hủy bỏ. Thay vì chụp gannet, tôi đi loanh quanh trong làng chụp hình, tuy giản dị nhưng không kém phần nên thơ.
 
Hình 31

Tình cờ gặp được chú chim lạ này, sau đó mới biết là chim black guillemot. Loài chim này có một vài chi tiết khá đặc biệt. Vào mùa hè, chân và bên trong mỏ chim có màu đỏ tươi, lông và bên ngoài mỏ màu đen tuyền trừ đốm trắng trên cánh. Thế nhưng đến mùa đông, phần lông ở đầu và lưng trở thành màu xám nhạt. Lông bụng đổi thành màu trắng còn màu đỏ ở chân nhạt đi nhiều. Mỏ chim vẫn không thay đổi.

Hình 32

Còn chú chim này là giống European blackbird, rất thường thấy ở Âu Châu, nhất là vùng Băng Đảo và Faroe Islands. 

Hình 33

Mặc dù trong ba ngày ở đây, chỉ có một ngày trời nắng ấm, nhưng những gì được thấy tận mắt sẽ làm tôi nhớ mãi.

Dzung Tran
2/29/2017

Tuesday, June 26, 2018

Faroe Islands - Hai đảo Kalsoy và Kunoy


Hôm sau chúng tôi hẹn gặp nhau ăn điểm tâm ở phòng ăn của khách sạn lúc 7 giờ sáng để chuẩn bị lên đường lúc 8 giờ. Theo chương trình ngày hôm nay chúng tôi sẽ ghé hai hòn đảo Kalsoy và Kunoy để thăm viếng một số làng như Trollanes (điểm số 7 trên bản đồ), Mikladalur (điểm số 8) và Kunoy (điểm số 9). Hai hòn đảo này được tạm dịch là Nam Đảo và Nữ Đảo (Kalsoy - Man Island, Kunoy - Woman Island).

Hình 1 - Một ngọn hải đăng trên đường đến bến Syðradalur của đảo Kalsoy

Monday, June 25, 2018

Faroe Islands - Ngôi làng Gjógv

Trong chuyến đi này, nhóm năm người chúng tôi mướn một chiếc xe minivan 8 chỗ ngồi. Anh Ólavur vừa làm tài xế vừa làm hướng dẫn. Tôi ngồi cạnh tài xế nên có thể chụp vài tấm hình khi xe đang chạy và nghe Ólavur giới thiệu về Faroe Islands.

Buổi chiều hôm đó sau khi sắp xếp hành lý ở khách sạn, chúng tôi đi ăn tối và chụp hình ở ngôi làng nhỏ tên Gjógv (điểm số 4 trên bản đồ) nằm ở đỉnh cao nhất về hướng Đông Bắc của hòn đảo Eysturoy. Gjógv được thành lập hơn 500 năm về trước và lấy tên của một hẻm núi dài khoảng 200m chạy từ trong làng ra biển. Gjógv theo tiếng Faroe có nghĩa là khe núi (tiếng Anh là gorge). Màu sắc tương phản và tươi tắn của những căn nhà nơi đây làm làng này nổi bật trên thảm cỏ xanh mướt với những cánh hoa vàng.

Hình 1 - Quang cảnh làng Gjógv

Sunday, June 24, 2018

Faroe Islands - Nhìn Lại Một Chuyến Đi

Sau chuyến phiêu lưu ở Mông Cổ vào tháng 9 năm 2017, tôi nghĩ cũng vài năm nữa mới có dịp đi tiếp, lý do chính là vì công việc hàng ngày bỗng dưng bận rộn hơn lúc nào hết. Không ngờ chỉ vài tháng sau cái duyên lại đưa đẩy tôi chọn một nơi thật xa lạ cho cuộc hành trình kế tiếp của mình. Đó là Faroe Islands. Khi nghe đến cái tên này, ai cũng hỏi Faroe Islands ở đâu vậy? Và ngay chính tôi lần đầu tiên đọc tên Faroe Islands cũng không biết quần đảo này nằm ở Âu Châu, Mỹ Châu, hay một nơi nào khác. Cũng may thời nay có Google nên chỉ cần bỏ công tìm là sẽ thấy. 

Với một chút tìm tòi tôi được biết Faroe Islands gồm 18 hòn đảo nhỏ nằm trên vùng biển Na Uy và Đại Tây Dương, giữa ba quốc gia Na Uy (Norway), Băng Đảo (Iceland) và Tô Cách Lan (Scottland). Tuy nằm giữa các nước này nhưng Faroe Islands lại là một lãnh thổ tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch (Denmark) từ năm 1948. 

Tôi chọn Faroe Islands vì muốn xem tận mắt hai loại chim puffin và gannet. Chim puffin ở đây thuộc giống Đại Tây Dương là một loài chim nhỏ với cái mỏ đỏ lòe trên khuôn mặt bầu bĩnh và hai má phinh phính. Ngược lại chim gannet là một loài chim màu trắng, lớn như chim đại bàng với màu sắc thật thanh tao. 

Đến lúc mua vé máy bay để đi tôi mới biết là không có chuyến bay nào đi thẳng đến phi trường Vágar của Faroe Islands. Du khách phương xa phải đổi máy bay ở những nước lân bang để tới Vágar. Tiện nhất là quá cảnh ở Copenhagen. Tôi đến phi trường Copenhagen trưa chủ nhật lúc 1 giờ 15 phút và sẽ đợi ở đó khoảng 3 tiếng đồng hồ để lấy máy bay của chặng kế tiếp qua Faroe Islands. 

Khoảng một tiếng trước giờ bay, hành khách được thông báo là chuyến bay sẽ bị trễ và cuối cùng bị hủy vì thời tiết ở phi trường Vágar rất xấu, mưa và sương mù dày đặc. Chúng tôi sẽ phải lấy chuyến bay kế vào 11 giờ sáng hôm sau. Thế là dự định đi sớm một ngày để có thêm thì giờ đi xem đây đó cũng đi đoong. Hãng máy bay SAS sắp xếp chỗ ăn ở qua đêm cùng phương tiện di chuyển giữa khách sạn và phi trường cho từng hành khách. Hành lý gởi sẽ được giữ lại ở phi trường và chuyển qua chuyến máy bay ngày mai. Như vậy cũng đỡ khổ khỏi phải kéo cái va-li nặng chình chịch đi theo mình cho tới ngày hôm sau. Thoát được cái eo này nhưng lại mắc cái eo khác vì những thứ cần dùng cho vệ sinh hằng ngày như bàn chải đánh răng, đồ ngủ và quần áo thay cho ngày hôm sau đều nằm trong hành lý gởi theo chuyến bay. Đi chuyến này tôi học được một điều là những hãng máy bay lớn thường có những cái "kit" cho hàng khách khi gặp trường hợp như vậy. Chỉ cần hỏi! Riêng hãng máy bay SAS thì họ có "overnight kit" khác nhau cho phái nam và phái nữ, thật là tiện. Điều đáng chú ý là hãng SAS dùng máy bay lớn nên những khi trời xấu, chuyến bay đi qua Faroe Islands thường bị hoãn. Trong khi đó, hãng Atlantic Airways dùng máy bay nhỏ nên trời không xấu lắm, máy bay cũng có thể đi và đáp xuống phi trường Vágar một cách an toàn. 

Sáng hôm sau, trước khi ra phi trường, chúng tôi được thưởng thức bữa điểm tâm buffet Đan Mạch đầu tiên ở khách sạn. Những món đặc biệt của buổi ăn sáng khác với những gì tôi hay thấy ở Mỹ là những loại bánh mì khác nhau trét bơ thơm phức, rồi còn thêm các loại thịt nguội (cold cut) ăn với cà chua, dưa leo, ớt xanh cộng thêm paté. Bên cạnh đó là trứng lòng đào, một món tôi thích ăn nhưng ít khi làm vì lười nấu bếp. Ở đâu cũng có những món ăn đáng nhớ, hương vị bánh mì và bơ ở đây là một hương vị tôi sẽ mang theo về California. 

Tôi đến phi trường Vágar lúc 2 giờ chiều trên cùng chuyến bay với ông Oliver Klink. Photography workshop kỳ này chỉ có ba học viên, vợ chồng ông Bruce và tôi, nhưng chúng tôi được đến hai nhiếp ảnh gia nhà nghề hướng dẫn. Ông Oliver Klink là nhiếp ảnh gia chính từ California, quyển sách nhiếp ảnh mới nhất của ông, Cultures in Transition, xuất bản năm 2019 đoạt được rất nhiều giải thưởng. Đây là chuyến đi chụp hình thứ hai tôi tham dự với ông Oliver Klink. Tôi tình cờ gặp ông năm 2017 trong dịp đi xem hình vẽ trên đường phố (street painting) trong lễ hội Art and Wine Festival thường niên của thành phố Palo Alto. Trước đây ông cũng là một chuyên viên kỹ thuật với bằng kỹ sư hóa học nhưng vì đam mê nhiếp ảnh nên ông đã đổi nghề và rất thành công. 

Còn anh Ólavur Frederiksen là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng của Faroe Islands. Anh đã xuất bản hai quyển sách nhiếp ảnh với rất nhiều hình ảnh đặc biệt của quần đảo này. Trên xe anh lúc nào cũng có sẵn máy hình để không bỏ lỡ bất cứ một cơ hội nào. Anh cho biết sẽ được chọn làm phó nhòm chụp hình cho hoàng gia Đan Mạch trong lần viếng thăm của hoàng tử Frederik tiếp sau đó. 

Hình 1 - Oliver Klink, Trần Dzung và Ólavur Fredericksen