Tuesday, June 26, 2018

Faroe Islands - Hai đảo Kalsoy và Kunoy


Hôm sau chúng tôi hẹn gặp nhau ăn điểm tâm ở phòng ăn của khách sạn lúc 7 giờ sáng để chuẩn bị lên đường lúc 8 giờ. Theo chương trình ngày hôm nay chúng tôi sẽ ghé hai hòn đảo Kalsoy và Kunoy để thăm viếng một số làng như Trollanes (điểm số 7 trên bản đồ), Mikladalur (điểm số 8) và Kunoy (điểm số 9). Hai hòn đảo này được tạm dịch là Nam Đảo và Nữ Đảo (Kalsoy - Man Island, Kunoy - Woman Island).

Hình 1 - Một ngọn hải đăng trên đường đến bến Syðradalur của đảo Kalsoy

Rời khách sạn chúng tôi lái xe đến bến Klaksvik thuộc đảo Borðoy (điểm số 5) đế lấy phà đi qua bến Syðradalur của đảo Kalsoy (điểm số 6). Nếu hụt một chuyến thì phải đợi từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng mới có chuyến kế vì vậy chúng tôi cố gắng đến sớm. Xe lên phà, chúng tôi xuống xe để ngắm cảnh dọc đường. Vì là quần đảo nên Faroe Islands có rất nhiều hải đăng. Phần lớn là những hải đăng nhỏ dọc theo biển hay trên đỉnh núi.

Hình 3 - Cá con được chuyên chở bằng xe đến bến rồi chuyển xuống thuyền
đưa ra trại cá dọc theo bờ biển

Khi thuyền vừa cặp bến, chúng tôi có dịp thấy cách người ta thuyên chuyển cá hồi con từ chỗ nuôi trong nhà ra trại ngoài biển. Theo lời Ólavur, cứ ba bốn lồng cá (vòng lưới nuôi cá) lại có một cái thuyền thức ăn đậu ở đó và cách vài tiếng thuyền lại tự động thả thức ăn cho cá.

Hình 4

Ở Faroe Islands nhìn thấy một hai căn nhà chơi vơi giữa quãng đồng rộng mênh mông là chuyện thường. Cũng như mọi người, tôi thắc mắc về chuyện điện nước ở những nơi này như thế nào thì được Ólavur cho biết tất cả đều được thành phố dẫn tới mà không tốn thêm một chi phí phụ trội nào. Từ hôm qua cho đến hôm nay tôi không hề thấy hệ thống cột điện hay dây điện dẫn đến các làng mạc. Có lẽ hệ thống dây điện được dẫn dưới mặt đất. Điều này cũng dễ hiểu, với những cơn gió lốc của mùa đông, dẫn điện dưới mặt đất về lâu về dài vừa an toàn lại vừa ít tốn kém trong việc bảo trì vì bão tố. 

Hình 5

Cũng như những nước Bắc Âu, ở nơi này có rất nhiều nhà với mái cỏ tuyệt đẹp. Giá mà tôi đến đây hai tuần sau đó thì căn nhà trong hình sẽ nổi bật trên thảm hoa vàng. Được biết có hai lý do khiến người ta trồng cỏ trên mái nhà. Thứ nhất là để giảm tiếng động khi trời mưa xuống và kế đó là để giữ hơi ấm trong nhà vào mùa đông. Loại cỏ này chỉ cao như vậy nên không phải lo chuyện cắt tỉa. 

Hình 6 - Ngôi làng Trollanes nhìn từ trên cao sau một đoạn hiking


Làng Trollanes (điểm số 7) là điểm dừng đầu tiên của chúng tôi trong chuyến đi hôm nay. Nằm sát ngay bờ biển, Trollanes chỉ có hơn 10 căn nhà với ba gia đình khoảng 20 người dân. Mỗi gia đình sơn nhà một màu khác nhau: đỏ, đen và trắng. Nếu nhìn từ phía biển vào, gia đình nhà màu đỏ làm chủ khu đất bên tay phải, chủ nhà màu trắng có khu đất ở giữa và chủ nhà màu đen có khu đất bên trái. Và dĩ nhiên cửa vào đất của họ cũng sơn những màu tương tự.

Ngôi làng này được biết đến với ngọn hải đăng Kallur nằm ở vị thế rất đẹp mà những người thích đi hiking hay chụp hình sẽ muốn đến đây xem tận mắt hay chụp một tấm hình làm kỷ niệm. Muốn đến ngọn hải đăng này, chúng tôi phải đi vào đất của gia đình có nhà màu đỏ.

Hình 7 - Một cảnh trên sườn đồi

Hình 8 - Cậu chủ nhà và ông Bruce đang ngồi nghỉ chân

Trollanes có nghĩa là Troll Peninsula (tạm dịch là Bán đảo của Người khống lồ). Theo truyền thuyết, mỗi năm người khổng lồ từ những ngọn núi chung quanh sẽ ghé đến ngôi làng này vào ngày thứ 12 sau Giáng Sinh. Dân làng sợ hãi nên phải qua làng Mikladalur bên cạnh tránh nạn. Đó là lý do ngôi làng này được đặt tên là Trollanes. Một năm cũng vào ngày thứ 12 sau Giáng Sinh, một cụ bà vì bị tật nguyền nên không thể đi tránh nạn. Bà nấp ở dưới cái bàn trong phòng khách. Khi những người khổng lồ xuống đến nơi, họ nhảy nhót và vui cười náo nhiệt. Bà sợ hãi gọi tên Chúa Cứu Thế. Khi nghe tên thánh, họ ngừng nhảy múa, nguyền rủa bà rồi rời khỏi làng và không bao giờ trở lại nữa. Khi dân làng trở về, họ đinh ninh sẽ thấy xác của bà nhưng hết sức kinh ngạc khi bà vẫn còn sống để kể chuyện lại cho họ.

Hình 9

Trước đó, Ólavur đã liên lạc với anh chủ nhà để làm hướng dẫn viên cho chúng tôi vì đường đến hải đăng Kallur không có đánh dấu gì cả. Bà vợ ông Bruce nghe nói phải leo dốc khoảng 2-3 cây số mới tới nơi, bà quyết định ngồi dưới xe đợi nên chỉ có ông Oliver, Ólavur, ông Bruce và tôi khệ nệ mang máy hình đi lên đó.

Đường đi đến cổng được đánh dấu bằng những bình đựng sữa cũ màu trắng. Thảm cỏ đã bắt đầu lốm đốm những nụ hoa trắng nhỏ.

Hình 10 - Có chỗ sát sườn núi, nhìn xuống cũng ngại ngùng đôi chân

Ngày hôm qua khi đến Gjógv, đường đi dễ dàng nên tôi cũng ỷ y mang giầy đi bộ thường, không phải giầy hiking. Không ngờ đường đi vừa dốc, vừa nhỏ, bên cao bên thấp và trời lại mưa cùng sương mù, giầy đế bằng trơn trợt nên tôi té lên, té xuống. Cũng may không có đá nhiều, chỉ bị dơ và ướt chứ không bị sứt mẻ gì cả. Ông bà Bruce và tôi cũng cùng độ tuổi và có vẻ cũng là người ít đi hiking nên leo dốc một chút chúng tôi dừng lại nghỉ rồi mới tiếp tục đi tiếp được. Chẳng bù với Ólavur và anh chủ nhà chạy băng băng lên dốc.

Hình 11

Trên đường đi, chúng tôi gặp rất nhiều chú cừu nhởn nhơ ăn cỏ trên sườn núi. Riêng gia đình này, hàng năm họ chỉ nuôi khoảng 450 con cừu mặc dù đất rất rộng và cỏ dư thừa. Họ phải giới hạn như vậy vì trong mùa đông họ không có đủ thức ăn cho cừu hoặc chỗ trú cho chúng khi thời tiết trở nên khắc nghiệt.

Hình 12

Cuối cùng chúng tôi cũng đến được chân của hải đăng Kallur. Khung cảnh và cảm giác khi lên đến đỉnh đồi thật tuyệt vời. Những vách đá dựng đứng, những màu xanh khác nhau của cỏ và rêu xen lẫn những bông hoa vàng thật đáng yêu, thật nên thơ. 

Nếu bạn đến đây, hãy nhớ mang đôi giày tốt dùng cho những nơi đất đá lồi lõm trơn trợt và mặc quần áo phù hợp với thời tiết có nhiệt độ thấp cùng mưa gió nhé.

Hình 13

Đỉnh đồi bên phải đã có một vài nhiếp ảnh gia chuẩn bị máy hình để chụp ngược lại phía hải đăng. Tôi dừng chân ở lối mòn trước mặt và ngần ngừ khá lâu xem có nên đi qua bên đó hay không. Đi, không đi, đi, không đi…

Hình 14

Nhìn đoạn đường trước mặt với con dốc trơn trợt và đôi giầy đế bằng của mình, tôi thật ngại ngùng với cái viễn ảnh có thể té xuống triền núi hai bên.

 

Hình 15


Cuối cùng tôi chọn giải pháp an toàn, ở lại bên này và không tiếc chuyện bỏ lỡ cơ hội chụp được một tấm hình đẹp.

Hình 16

Giá hôm nay có mang đôi giầy dùng đi bộ ở những nơi trơn trợt thì những chỗ cheo leo nhỏ hẹp sẽ không ngăn được tôi theo chân mọi người đi lên tới đỉnh.

Hình 17

Không qua được phía đồi bên kia, tôi đi vòng vòng chụp những quang cảnh ở phía bên này.

Hình 18 - Mây trời, biển cả và núi đồi trong sương mù.

Sương mù cũng có vẻ đẹp của sương mù!

Sau khi chụp hình ở Trollanes, chúng tôi trực chỉ đến nhà của một người ở làng Húsar (điểm số 6) dùng cơm trưa vì đảo này không có tiệm ăn nào cả. Sau đoạn leo dốc ở Trollanes, ai cũng đói meo, mong được ăn trưa sớm. Không ngờ vì hiểu lầm về giờ giấc nên chủ nhà lại đi vắng, không chuẩn bị thức ăn cho chúng tôi như đã định.

Hình 19 - Những ngôi nhà ở Húsar

 Chúng tôi lúng túng không biết phải giải quyết như thế nào vì trên đảo Kalsoy không có tiệm ăn. Anh Ólavur liên lạc ngay với trung tâm hướng dẫn du khách (hospitality service) xem họ có giúp được gì không. Chỉ trong chốc lát họ gọi lại và cho biết có một gia đình ở làng Mikladalur (điểm số 8) có thể sắp xếp buổi ăn trưa cho 5 người chúng tôi trong vòng nửa tiếng nữa. Tuy bị trễ một chút nhưng cũng không đến nỗi nào vì Mikladalur là điểm chúng tôi định đến sau bữa trưa.

Những lúc bất ngờ như thế này, việc có một người địa phương làm hướng dẫn thật quan trọng. Chúng tôi chụp vội mấy tấm hình ở Húsar rồi đi ngược lại Mikladalur cho kịp giờ hẹn.
 
Hình 20

Húsar là ngôi làng lâu đời nhất trên đảo Kalsoy. Nhà thờ Húsar được xây vào năm 1920. Các nhà thờ ở trên hai đảo Kalsoy và Kunoy rất giống nhau, kể cả nhà thờ ở làng Húsar. Nếu không để ý đến màu cánh cửa sổ nhỏ trên ngôi tháp có lẽ sẽ không phân biệt được những nhà thờ này. Cửa sổ của nhà thờ ở Húsar có màu nâu đậm.

Hình 21

Lúc chúng tôi lái xe đến Mikladalur thì ông chủ nhà ra tận đường cái chào đón. Trên lối vào, ông giới thiệu một hai điểm đặc biệt, chẳng hạn như ngôi nhà màu đỏ có bánh xe quay nước nằm bên dòng suối nho nhỏ. Chỗ này bây giờ là một bảo tàng viện bỏ túi với vài loại máy móc nông nghiệp cũ để du khách có thể biết được đời sống ngày xưa ở vùng này như thế nào.

Hình 22

Bên cạnh đó là ngôi nhà thờ xây năm 1856 với kiến trúc giống hệt như nhà thờ ở làng Húsar, chỉ khác ở chỗ cửa sổ tháp chuông sơn màu vàng. 

Lúc vào nhà, bà chủ nhà đã bày sẵn nhiều món ăn gồm hai ba loại bánh mì, thịt nguội, paté, mứt, sữa, cà phê, nước trà, nước trái cây và bánh ngọt. Một bữa ăn khá đầy đủ khi phải chuẩn bị gấp cho những người khách lỡ đường như chúng tôi.

 

Hình 23

Hình 24

Sau khi ăn xong, ông chủ nhà dẫn chúng tôi đến thăm thắng cảnh nổi tiếng ở đây. Ngoài khung cảnh hoang dã và hùng vĩ, Mikladalur nổi tiếng với pho tượng selkie (seal woman) rất đẹp đứng sát bên bờ biển.

Theo truyền thuyết về Kópakonan The Seal Woman, hải cẩu trước đây vốn được tin là người thường nhưng tự nguyện hy sinh thân mình cho biển cả. Mỗi năm cứ đến ngày Twelfth Night (12 đêm sau Giáng Sinh, tức là ngày mùng 6 tháng Giêng), họ được phép lên bờ, trút bỏ lớp da để thành người thường vui chơi và nhảy múa cho thỏa thích.

Một anh nông dân ở Mikladalur đã từng đến bãi biển đó để xem những điệu múa của họ. Hôm đó, anh thấy trong đám đông có một cô gái xinh đẹp đang trút bỏ lớp da. Bị mê hoặc bởi sắc đẹp của cô, anh giấu bộ da của cô khiến cô không trở ra biển được rồi buộc cô phải cưới anh.

Hình 25

Để giữ cô lại, anh giấu bộ da của cô trong ngực và mang theo chìa khóa nhà trong người cả ngày lẫn đêm. Họ sống với nhau khá lâu và có nhiều mặt con. Một hôm anh đi câu và quên mang theo chìa khóa. Anh vội vàng chèo thuyền về nhà. Lúc về đến nơi thì vợ anh đã thoát ra biển, để lại con cái của họ. Trước khi đi, cô dập tắt lửa và dấu đi những vật nhọn để các con không bị nguy hiểm.

Ít lâu sau, dân trong vùng dự định đi sâu vào các hang động để săn hải cẩu. Đêm trước đó, anh nông dân được vợ cũ báo mộng là khi đi săn không nên giết con hải cẩu to lớn đang nằm ở lối vào và hai con nhỏ nằm bên trong vì đó là chồng và con của cô sau này. Cô tả rõ sắc da của chồng và hai con để anh có thể nhận ra. Thế nhưng anh giấu kín giấc mơ khi nhập bọn với đám thợ săn và giết tất cả những con hải cẩu gặp dọc đường. Khi trở về, họ chia phần nhau và anh nhận được con hải cẩu lớn cùng một phần của hai hải cẩu con.

Hình 26

Buổi tối hôm đó, lúc đang nấu phần ăn của mình, anh bỗng nghe một tiếng động thật lớn ở phòng bên cạnh. Cô vợ cũ hiện ra trong dáng của một người khổng lồ hung dữ, cô ngửi mùi thức ăn trong nồi rồi khóc lóc và tung lời nguyền: "Đây là đầu của chồng tôi, đây là tay của Hárek và chân cùa Fredrik. Từ nay các người sẽ phải đền tội. Tôi sẽ trả thù tất cả những người đàn ông ở Mikladalur. Các người sẽ phải chết trên biển cả hay sẽ rơi từ đỉnh núi cao cho đến khi những người chết có thể nối thành vòng tay bao quanh đảo Kalsoy mới thôi!“

Thốt xong lời nguyền đó, cô biến mất sau một tiếng sấm lớn và không bao giờ hiện ra nữa. Cho đến nay, thỉnh thoảng vẫn có người bị chết đuối hay rơi xuống vực sâu. Một số người vẫn tin vào truyền thuyết này và lo lắng là số nạn nhân vẫn chưa nối đủ vòng tay quanh đảo Kalsoy.

Hình 27

Pho tượng selkie được dựng ở làng ngày 1 tháng Tám năm 2014 bằng đồng và thép không rỉ sét, cao 2.6 mét và nặng 450 ký. Tuy đứng sát biển nhưng tượng chịu được sóng cao đến 13m (khoảng 4 tầng lầu). Đầu năm 2015, một ngọn sóng cao khoảng 11.5m đánh vào nhưng tượng không hề suy suyển (trận sóng này có thể được xem ở link https://youtu.be/6ULOiyjswhs)

Chúng tôi chụp thêm mấy tấm hình rồi về bến Klaksvik để khỏi lỡ phà, sau đó lái xe qua đảo Kunoy (điểm số 9).

Hình 28

Kunoy là một làng nhỏ trên đảo chỉ có 64 dân làng. Đây là ngôi làng độc nhất ở Faroe Islands có “khoảng rừng” trồng năm 1800 (không nơi nào có cây cối cao mọc tự nhiên trên Faroe Islands cả). Đảo Kunoy có hai làng chính: làng Kunoy ở phía Tây và làng Haraldssund ở phía Đông Nam thông nhau bằng một đường hầm xuyên qua núi.

Ở Faroe Islands có nhiều đường hầm chỉ đủ rộng cho một xe hơi. Những ai không quen với cách đi ngang qua đường hầm như thế này sẽ rất lo lắng là làm thế nào để tránh xe đi ngược chiều. Thật ra điều này không có gì khó khăn cả vì mỗi bên trong đường hầm thường có một hay hai chỗ để tách vào ngừng khi cần nhường cho xe có chiều ưu tiên.

Hình 29 - Bờ biển bên dưới nhà thờ.

Hình 30 - Đường xuống ven biển đối diện mấy hòn núi.


Hình 31 - Hoa marsh marigold

 

Hoa marsh marigold là loại hoa đặc trưng của Faroe Island. Trong thời gian tôi đến đây, hoa đã bắt đầu nở ở nhiều nơi. Chúng tôi chỉ cần đến trễ hơn khoảng hai tuần thì các cánh đồng xanh sẽ pha đầy hoa vàng.

Một ngày bấm máy hình mỏi cả tay và quần áo lem luốc đầy bùn vì những lối đi trơn trợt ở Trollanes nhưng thật trọn vẹn với vẻ đẹp mộc mạc của Faroe Islands! Thật xứng đáng với cái công lặn lội đường xa...

Dzung Trần
June 26, 2018

No comments:

Post a Comment